Sàn thương mại điện tử nước ngoài có phải đăng ký khai thuế tại Việt Nam từ ngày 01/01/2025?
Căn cứ khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 6 Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2024, (văn bản có hiệu lực từ 01/01/2025) quy định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế được quy định như sau:
Nguyên tắc khai thuế, tính thuế
1. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.
2. Người nộp thuế tự tính số tiền thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3. Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết khoản này.
4. Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
…
Theo đó, đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Như vậy, theo quy định nêu trên kể từ 01/01/2025, nhà cung cấp ở nước ngoài khi thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam không phân biệt có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đều phải thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định.
Xem thêm: Sàn thương mại điện tử nước ngoài đều phải đăng ký, khai thuế tại Việt Nam từ năm 2025
Sàn thương mại điện tử nước ngoài có phải đăng ký khai thuế tại Việt Nam từ ngày 01/01/2025? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đăng ký thuế lần đầu được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 31 Luật Quản lý thuế 2019, về hồ sơ đăng ký thuế lần đầu được quy định như sau:
[1] Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh thì hồ sơ đăng ký thuế là hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
[2] Người nộp thuế là tổ chức đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì hồ sơ đăng ký thuế bao gồm:
– Tờ khai đăng ký thuế;
– Bản sao giấy phép thành lập và hoạt động, quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương khác do cơ quan có thẩm quyền cấp phép còn hiệu lực;
– Các giấy tờ khác có liên quan.
[3] Người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì hồ sơ đăng ký thuế bao gồm:
– Tờ khai đăng ký thuế hoặc tờ khai thuế;
– Bản sao giấy chứng minh nhân dân, bản sao thẻ căn cước công dân hoặc bản sao hộ chiếu;
– Các giấy tờ khác có liên quan.
[4] Việc kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thuế để nhận hồ sơ đăng ký thuế và cấp mã số thuế theo cơ chế một cửa liên thông qua cổng thông tin điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thời hạn đăng ký thuế lần đầu đối với người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế là khi nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý thuế 2019, về thời hạn đăng ký thuế lần đầu được quy định như sau:
Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thời hạn đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày sau đây:
[1] Được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định thành lập;
[2] Bắt đầu hoạt động kinh doanh đối với tổ chức không thuộc diện đăng ký kinh doanh hoặc hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
[3] Phát sinh trách nhiệm khấu trừ thuế và nộp thuế thay; tổ chức nộp thay cho cá nhân theo hợp đồng, văn bản hợp tác kinh doanh;
[4] Ký hợp đồng nhận thầu đối với nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài kê khai nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế; ký hợp đồng, hiệp định dầu khí;
[5] Phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân;
[6] Phát sinh yêu cầu được hoàn thuế;
[7] Phát sinh nghĩa vụ khác với ngân sách nhà nước.
Xem thêm: Cơ hội việc làm đầy triển vọng với vị trí vận hành Tiktokshop