Pháp luật 2025: Năm 2025, người điều khiển xe máy xem bản đồ trên điện thoại có bị xử phạt hay không?

Năm 2025, người điều khiển xe máy xem bản đồ trên điện thoại có bị xử phạt hay không?

Căn cứ theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 về các hành vi bị nghiêm cấm quy định như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm

6. Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ.

Theo đó, từ quy định trên thì hành vi bị nghiêm cấm có bao gồm trường hợp dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ.

Như vậy, đối với người điều khiển xe máy xem bản đồ được chia ra làm 02 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Đối với trường hợp người điều khiển xe máy sử dụng điện thoại xem bản đồ và dùng tay cầm và thao tác với điện thoại trong quá trình điều khiển xe thì thuộc trường hợp vi phạm quy định nêu trên.

Trường hợp 2: Đối với trường hợp người điều khiển xe máy sử dụng điện thoại xem bản đồ nhưng gắn điện thoại trên giá đỡ xe và không dùng tay cầm và thao tác khi điều khiển xe thì không thuộc trường hợp vi phạm quy định nêu trên.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng: Việc sử dụng điện thoại xem bản đồ khi đi xe máy (dù gắn trên giá đỡ) vẫn phải đảm bảo an toàn giao thông.

Xem thêm: Điều khiển xe máy chở quá số người quy định sẽ bị phạt bao nhiêu theo Nghị định 168?

Năm 2025, người điều khiển xe máy xem bản đồ trên điện thoại có bị xử phạt hay không? (Hình từ Internet)

Mức xử phạt đối với trường hợp sử dụng điện thoại khi lái xe máy bị phạt bao nhiêu tiền?

Căn cứ tại Điều 7 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.

 

13. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe như sau:

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 4; điểm a khoản 6; điểm c, điểm d, điểm đ khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm;

Như vậy, từ quy định nêu trên thì đối với hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe máy sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Đồng thời, người điều khiển xe máy vi phạm hành vi này còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 04 điểm theo quy định.

Hình thức xử phạt chính đối với hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định thế nào?

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 168/2024/NĐ-CP về hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả; thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định:

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả; thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

2. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

c) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong trường hợp không áp dụng là hình thức xử phạt chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Theo đó, từ quy định trên thì đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau:

[1] Cảnh cáo;

[2] Phạt tiền;

[3] Tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Ngoài ra, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:

– Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;

– Đình chỉ hoạt động có thời hạn;

– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong trường hợp không áp dụng là hình thức xử phạt chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.

Xem thêm: Mức xử phạt người đi bộ qua đường không có tín hiệu bằng tay là bao nhiêu theo Nghị định 168?