Mức phạt lỗi xe máy không chính chủ là bao nhiêu theo Nghị định 168?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 32 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ quy định như sau:
Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ
…
3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định;
b) Không làm thủ tục đổi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định;
c) Lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
…
Theo đó, từ quy định nêu trên thì lỗi xe không chính chủ có thể hiểu là không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định.
Đồng thời, chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm không làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trong trường hợp thay đổi chủ xe theo quy định sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức.
Như vậy, lỗi xe máy không chính chủ sẽ có mức xử phạt như sau:
– Đối với chủ xe có hành vi vi phạm là cá nhân: Mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
– Đối với chủ xe có hành vi vi phạm là tổ chức: Mức phạt tiền từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Lưu ý: Đối với lỗi xe máy không chính chủ theo Nghị định 168 thì không có hình thức phạt bổ sung đi kèm. Đồng thời người vị phạm cũng không bị trừ điểm giấy phép lái xe.
Xem thêm: Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm chở trẻ em từ 06 tuổi trở lên ngồi phía trước khi đi xe máy là bao nhiêu?
Mức phạt lỗi xe máy không chính chủ là bao nhiêu theo Nghị định 168? (Hình từ Internet)
Thủ tục đăng ký sang tên xe được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 17 Thông tư 79/2024/TT-BCA quy định về thủ tục đăng ký sang tên xe như sau:
[1] Thủ tục thu hồi:
– Chủ xe kê khai giấy khai thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe trên cổng dịch vụ công, cung cấp mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến hoặc kê khai giấy khai thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (theo mẫu ĐKX11 ban hành kèm theo Thông tư 79/2024/TT-BCA) tại cơ quan đăng ký xe.
Nộp hồ sơ thu hồi quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 79/2024/TT-BCA.
Nhận giấy hẹn trả kết quả chứng nhận thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định.
– Sau khi kiểm tra hồ sơ xe hợp lệ, cơ quan đăng ký xe cấp 02 bản chứng nhận thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định có dán bản chà số máy, số khung và đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký xe trên bản chà số máy, số khung xe (01 bản trả cho chủ xe, 01 bản lưu hồ sơ xe).
Đối với xe tạm nhập, tái xuất của các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao cấp 03 bản chứng nhận thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (02 bản trả cho chủ xe để nộp cho cơ quan hải quan và cơ quan đăng ký xe, 01 bản lưu hồ sơ xe).
Trường hợp chủ xe có nhu cầu thì được cấp chứng nhận đăng ký xe tạm thời cùng với chứng nhận thu hồi chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, không phải có hồ sơ đăng ký xe tạm thời.
[2] Thủ tục đăng ký:
– Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe kê khai giấy khai đăng ký xe theo quy định tại Điều 9 Thông tư 79/2024/TT-BCA; đưa xe đến để kiểm tra và nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 79/2024/TT-BCA;
– Sau khi kiểm tra hồ sơ xe, thực tế xe đảm bảo hợp lệ thì được cơ quan đăng ký xe cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư 79/2024/TT-BCA;
– Nhận giấy hẹn trả kết quả, nộp lệ phí đăng ký xe và nhận biển số xe (trường hợp được cấp biển số xe theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 Thông tư 79/2024/TT-BCA);
Trường hợp chủ xe có nhu cầu nhận trả kết quả đăng ký xe qua dịch vụ bưu chính công ích thì đăng ký với đơn vị dịch vụ bưu chính công ích;
– Nhận chứng nhận đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe hoặc từ đơn vị dịch vụ bưu chính công ích.
Trường hợp biển số xe đã được cấp là biển 3 số hoặc biển 4 số thì đổi sang biển số định danh theo quy định tại Thông tư 79/2024/TT-BCA.
Trách nhiệm của chủ xe khi chuyển quyền sở hữu xe được quy định ra sao?
Căn cứ theo khoản 5 Điều 6 Thông tư 79/2024/TT-BCA về trách nhiệm của chủ xe quy định:
Theo đó, khi chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe (sau đây viết gọn là chuyển quyền sở hữu xe) thì chủ xe phải có trách nhiệm như sau:
[1] Chủ xe phải giữ lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (không giao cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe)
Nộp cho cơ quan đăng ký xe khi làm thủ tục thu hồi; trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá thì chủ xe nộp chứng nhận đăng ký xe cho cơ quan đăng ký xe khi làm thủ tục thu hồi;
[2] Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe đứng tên trong chứng nhận đăng ký xe phải làm thủ tục thu hồi;
Trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết người có thẩm quyền thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;
Trường hợp chủ xe không đến làm thủ tục thu hồi thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ xe và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu được ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và ký vào các giấy tờ có liên quan đến thủ tục thu hồi;
[3] Sau khi cơ quan đăng ký xe làm thủ tục thu hồi, tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu làm thủ tục cấp chứng nhận đăng ký xe, biển số xe theo quy định.
Xem thêm: Năm 2025, xe máy có 1 gương chiếu hậu bên trái liệu có bị xử phạt? Mức xử phạt đối với lỗi xe không gương chiếu hậu được quy định như thế nào?