Quảng cáo là hoạt động không thể thiếu trong kinh doanh. Quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nhận thức về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ đối với khách hàng. Điều này giúp người tiêu dùng biết đến sự tồn tại và giá trị của thương hiệu. Do đó, hiện nay, để nâng cao hiệu quả của hoạt động quảng cáo, các doanh nghiệp thường có xu hướng hợp tác quảng cáo với bên truyền thông qua hợp đồng quảng cáo. Vậy, quảng cáo truyền thông là gì? Mẫu hợp đồng quảng cáo truyền thông như thế nào? …. Để giải đáp những câu hỏi này, mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết “Mẫu hợp đồng quảng cáo truyền thông” của Biểu mẫu luật nhé.
Quảng cáo truyền thông là gì?
Quảng cáo là một công cụ quan trọng trong marketing và có thể giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng và tạo ra doanh số bán hàng tăng cao. Pháp luật hiện hành đã có quy định giải thích cụ thể thuật ngữ quảng cáo tại Khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 như sau:
“Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”
Theo đó, quảng cáo truyền thông là hoạt động quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thông điệp của một công ty thông qua các phương tiện truyền thông như truyền hình, radio, báo chí, tạp chí, website, mạng xã hội, hoặc các hình thức quảng cáo khác. Mục tiêu của quảng cáo truyền thông là thu hút sự chú ý của khách hàng tiềm năng, tạo động lực mua hàng và xây dựng hình ảnh đồng thời thúc đẩy tiếp thị và doanh số bán hàng của một công ty.
Download mẫu hợp đồng quảng cáo truyền thông
Hợp đồng quảng cáo truyền thông là một hợp đồng giữa một bên là nhà quảng cáo và bên kia là đại diện truyền thông (như công ty truyền thông, cơ quan quảng cáo) để quảng bá sản phẩm, dịch vụ hoặc thông điệp của nhà quảng cáo thông qua các phương tiện truyền thông như quảng cáo trên TV, radio, báo chí, trang web, mạng xã hội, hoặc các hình thức khác.
Dưới đây là mẫu hợp đồng quảng cáo truyền thông của Biểu mẫu luật, bạn có thể tải về và sử dụng:
Cách soạn hợp đồng quảng cáo truyền thông
Hợp đồng quảng cáo truyền thông là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định rõ các quyền và nghĩa vụ của nhà quảng cáo và nhà cung cấp dịch vụ truyền thông. Điều này đảm bảo rằng cả hai bên đều hiểu rõ và đồng ý với các điều khoản của hợp đồng. Để tránh xảy ra tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng, hợp đồng cần đảm bảo những nội dung sau đây:
– Thông tin của hai bên: Hợp đồng cần ghi rõ thông tin của nhà quảng cáo (bên thuê) và đối tác quảng cáo (bên được thuê), bao gồm tên, địa chỉ và các thông tin liên hệ.
– Mục tiêu quảng cáo: Hợp đồng cần đề cập rõ mục tiêu mà nhà quảng cáo muốn đạt được thông qua chiến dịch quảng cáo truyền thông. Điều này có thể bao gồm tăng số lượng khách hàng, tăng doanh số bán hàng, tăng nhận thức thương hiệu và các mục tiêu khác.
– Thời gian chiến dịch: Hợp đồng cần xác định thời gian bắt đầu và kết thúc của chiến dịch quảng cáo.
-. Ngân sách và thù lao: Hợp đồng cần nêu rõ số tiền mà nhà quảng cáo cam kết chi trả cho chiến dịch quảng cáo truyền thông.
– Kênh quảng cáo: Hợp đồng cần liệt kê các kênh quảng cáo được sử dụng trong chiến dịch, chẳng hạn như quảng cáo trên truyền hình, radio, báo chí, trực tuyến, mạng xã hội và các hình thức khác.
– Quyền và trách nhiệm của hai bên: Hợp đồng cần xác định rõ quyền và trách nhiệm của cả hai bên liên quan đến việc thực hiện chiến dịch quảng cáo. Điều này bao gồm việc giới hạn việc sử dụng thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân và các điều khoản khác.
– Tiêu chuẩn và tiến độ cung cấp: Hợp đồng nên đặt ra các tiêu chuẩn và tiến độ cung cấp dịch vụ quảng cáo, bao gồm số lượng quảng cáo, thời gian hiển thị, số lần hiển thị và các yêu cầu khác.
– Điều khoản thanh toán: Hợp đồng cần xác định rõ các điều khoản thanh toán, bao gồm phương thức thanh toán, lịch trình thanh toán và các điều khoản về việc hoàn trả hay xử lý khi có sự cố phát sinh.
– Điều khoản chấm dứt: Hợp đồng cần xác định rõ các điều khoản về chấm dứt hợp đồng, bao gồm cả điều kiện và quyền lợi của mỗi bên khi chấm dứt hợp đồng.
Điều kiện quảng cáo theo quy định của Luật Quảng cáo
Mục đích chính của việc quảng cáo là quảng bá rộng rãi về sản phẩm và các thông tin liên quan đến sản phẩm. Do đó, việc kiểm soát và quản lý hoạt động quảng cáo của Nhà nước là vô cùng cần thiết. Điều này giúp đảm bảo về nội dung quảng cáo, chất lượng sản phẩm, … tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Theo quy định tại Điều 20 Luật Quảng cáo 2012, quảng cáo phải đáp ứng những điều kiện sau đây tùy thuộc vào từng loại sản phẩm và dịch vụ quảng cáo:
“1. Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
3. Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
4. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
a) Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
b) Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;
c) Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp;
d) Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;
đ) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
e) Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
g) Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;
h) Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;
i) Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;
k) Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.”
Mời bạn xem thêm:
Câu hỏi thường gặp:
Khoản 2 Điều 31 Luật Quảng cáo 2012 quy định: “2. Việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong những trường hợp sau đây:
a) Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) trở lên;
b) Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;
c) Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m2) trở lên.”
Như vậy, chỉ khi thực hiện quảng cáo thuộc một trong các trường hợp nêu trên mới phải xin giấy phép xây dựng.
Khoản 1 Điều 24 Luật Quảng cáo 2012 quy định về việc quảng cáo qua phương tiện điện tử như sau:
“a) Tổ chức, cá nhân chỉ được phép gửi tin nhắn và thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận;
b) Nhà cung cấp dịch vụ thông tin điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo về các dịch vụ của mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá ba tin nhắn quảng cáo đến một số điện thoại, quá ba thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận;
c) Tổ chức, cá nhân quảng cáo phải bảo đảm cho người nhận có khả năng từ chối quảng cáo; phải chấm dứt ngay việc gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo nếu người nhận thông báo từ chối quảng cáo và không được thu phí dịch vụ đối với thông báo từ chối của người nhận.”