Xin chào Biểu mẫu luật, tôi có vấn đề như sau: Trước đây tôi có đặt cọc để mua một căn hộ chung cư. Tuy nhiên, sau đó, vì nhiều lý do mà người nhận cọc (chủ căn hộ) không chịu giao giấy tờ căn hộ cho tôi. Hiện nay, đã quá thời hạn bàn giao nhà và giấy tờ nên tôi có gọi cho người đó để yêu cầu trả cọc và phạt cọc. Nhưng người đó lại không chịu trả. Vậy bây giờ tôi có khởi kiện được không? Nếu có thì viết đơn như thế nào? Nộp đơn khởi kiện ở đâu? Tôi chân thành cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho Biểu mẫu luật. Đối với vấn đề mà bạn băn khoăn, chúng tôi xin gửi tới bạn Mẫu đơn khởi kiện đòi tiền cọc và những vấn đề pháp lý liên quan qua bài viết sau đây.
Quy định pháp luật về đặt cọc
Đặt cọc là một trong những giao dịch dân sự phổ biến hiện nay. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 thì đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Trên thực tế, giao dịch đặt cọc thường được thực hiện khi mua nhà, đất, thuê nhà, trọ, …
Tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc như sau:
“Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, trong trường hợp bên đặt cọc vi phạm theo như thỏa thuận, cam kết thì chịu mất tiền cọc. Nếu bên nhận cọc vi phạm nghĩa vụ thì phải hoàn trả cho bên đặt cọc tiền cọc và một khoản tiền bằng đúng tiền cọc.
Nếu các bên có tranh chấp thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Nộp đơn khởi kiện đặt cọc ở đâu?
Theo quy định của VBHN Bộ luật Tố tụng Dân sự 2020, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự. Do đó, tranh chấp về đặt cọc – tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Vì vậy, khi có yêu cầu khởi kiện đòi tiền cọc, người khởi kiện cần nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Cụ thể như sau:
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này […]
3. Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này […]”
“Điều 37. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này, trừ những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 35 của Bộ luật này
[…]
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 35 của Bộ luật này mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện”
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”
Như vậy, về cơ bản, người khởi kiện đòi tiền cọc sẽ nộp đơn khởi kiện tại:
- Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi bị đơn cư trú (nếu vụ án có yếu tố nước ngoài).
Mẫu đơn khởi kiện đòi cọc
Hiện nay, đơn khởi kiện được trình bày theo mẫu chung: Mẫu số 23-DS Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP. Do đó, đơn khởi kiện đặt cọc cũng được viết theo mẫu này.
Dưới đây là Mẫu đơn khởi kiện theo quy định hiện nay, bạn có thể tải về và sử dụng:
Hướng dẫn viết đơn khởi kiện
Tại Mẫu số 23-DS Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP có hướng dẫn cách viết mẫu đơn khởi kiện và những lưu ý khi viết đơn khởi kiện cụ thể như sau:
(1) Ghi địa điểm làm đơn khởi kiện (ví dụ: Hà Nội, ngày….. tháng….. năm……).
(2) Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B), nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên) và địa chỉ của Toà án đó.
(3) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ tên; đối với trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
(4) Ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện là cá nhân, thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú (ví dụ: Nguyễn Văn A, cư trú tại thôn B, xã C, huyện M, tỉnh H); nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, thì ghi địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó (ví dụ: Công ty TNHH Hin Sen có trụ sở: Số 20 phố LTK, quận HK, thành phố H).
(5), (7), (9) và (12) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (3).
(6), (8), (10) và (13) Ghi tương tự như hướng dẫn tại điểm (4).
(11) Nêu cụ thể từng vấn đề yêu cầu Toà án giải quyết.
(14) Ghi rõ tên các tài liệu kèm theo đơn khởi kiện gồm có những tài liệu nào và phải đánh số thứ tự (ví dụ: các tài liệu kèm theo đơn gồm có: bản sao hợp đồng mua bán nhà, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, …).
(15) Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án (ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…).
(16) Nếu người khởi kiện là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khởi kiện đó; trường hợp người khởi kiện là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp đó phải ký tên điểm chỉ; trường hợp người khởi kiện, người đại diện hợp pháp không biết chữ, không nhìn được, không tự mình làm đơn khởi kiện, không tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự đầy đủ làm chứng, ký xác nhận vào đơn khởi kiện. Nếu là cơ quan tổ chức khởi kiện, thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp. Nếu người khởi kiện không biết chữ thì phải có người làm chứng ký xác nhận theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 189 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Mời bạn xem thêm:
Thông tin liên hệ:
Biểu mẫu luật đã gửi tới bạn đọc Mẫu đơn khởi kiện đòi tiền cọc và những vấn đề liên quan qua bài viết bên trên. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên, chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, chúng tôi sẽ giúp quý khách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí và ít đi lại.
Câu hỏi thường gặp:
Theo quy định, người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Trong trường hợp khởi kiện đòi tiền cọc, người khởi kiện cần nộp những tài liệu sau đây:
– Đơn khởi kiện
– Các tài liệu có liên quan đến việc đặt cọc. Ví dụ: hợp đồng đặt đọc, giấy biên nhận tiền, biên lai chuyển khoản, tin nhắn trao đổi, …
– Các tài liệu chứng minh bên nhận cọc vi phạm nghĩa vụ: tin nhắn trao đổi giữa các bên, …
– Bản sao giấy tờ tùy thân của người khởi kiện: CMND/ CCCD/ Hộ chiếu.
Khi khởi kiện, người khởi kiện sẽ phải nộp tiền tạm ứng án phí (bằng 50% mức án phí theo quy định) để Tòa án thụ lý yêu cầu giải quyết. Sau khi giải quyết vụ án, trách nhiệm nộp án phí tùy thuộc vào việc Tòa án có chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện không.
Ví dụ: Trong trường hợp Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện (toàn bộ số tiền yêu cầu bị đơn trả và những yêu cầu khác) thì người khởi kiện sẽ được trả lại tiền án phí, bị đơn là người phải nộp.
Ngược lại, người khởi kiện sẽ phải chịu toàn bộ tiền án phí và được khấu trừ cho tiền tạm ứng trước đó.
Đối với trường hợp khởi kiện đòi tiền cọc, đây được xác định là vụ án có giá ngạch, mức án phí được thực hiện theo quy định tại Danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14