Theo quy định tại Điều 384 Bộ luật dân sự 2015, “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Trong trường hợp này, việc gia đình gửi tro cốt của người thân vào chùa, chắc chắn có sự thỏa thuận giữa gia đình và nhà chùa xảy ra. Có thể hình dung, nhà chùa có trách nhiệm trông giữ, thờ cúng tro cốt, còn gia đình có trách nhiệm chi trả một khoản tiền để nhà chùa thực hiện việc này. Việc trả tiền của gia đình có thể thực hiện dưới nhiều hình thức. Như vậy, đủ cơ sở để kết luận giao dịch giữa gia đình, người thân gửi tro cốt và nhà chùa chính là giao dịch dân sự, được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự hiện hành.
Như trên phân tích, giao dịch giữa gia đình và nhà chùa được xem là giao dịch dân sự. Vậy giao dịch đó có được xem là gửi giữ tài sản hay không thì cần phải xem xét đến quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự 2015.
Điều 554 BLDS 2015 quy định:
Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
|
Có 2 yếu tố quan trọng nhất để xác định giao dịch trên có phải là hợp đồng gửi giữ tài sản hay không. Thứ nhất, bên gửi (gia đình) có trả tiền cho bên nhận giữ hay không? Thứ hai, hũ tro cốt có được xem là tài sản hay không?
Xét yếu tố thứ nhất, qua sự việc phía các gia đình cho rằng có trả tiền cho nhà chùa để thực hiện nghĩa vụ thờ cúng, trông coi hũ tro cốt theo nguyện vọng của gia đình.
Xét yếu tố thứ hai, hũ tro cốt có được xem là tài sản hay không? Điều 105 BLDS 2015 quy định Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
Đầu tiên, xét đến cái hũ, được nhiên cái hũ được xem là vật, và nó là tài sản. Tiếp theo là tro cốt đựng trong hũ. Đương nhiên tro cốt không thể là tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Xét đến tro cốt đựng bên trong hũ, theo quy định hiện nay không có hướng dẫn, giải thích cũng nhưng chưa có án lệ nào xác định tro cốt là vật, và xem đó là tài sản.
Chính vì vậy giao dịch dân sự giữa gia đình và nhà chùa, ở đây là gửi giữ “hũ tro cốt” chứ không riêng “cái hũ” và giao dịch này không thể xem là giao dịch gửi giữ tài sản theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành.