Điều 18 Luật Cư trú 2006 quy định, công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú và được cấp sổ hộ khẩu.
Trong khi đó, Điều 24 làm rõ vai trò của Sổ hộ khẩu như sau: Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Những người đăng ký tạm trú chỉ được cấp Sổ tạm trú thay vì Sổ hộ khẩu.
Tóm lại sổ hộ khẩu là căn cứ xác định nơi thường trú của công dân.
Sổ hộ khẩu được xem là một loại giấy tờ quan trọng để thực hiện các thủ tục hành chính, các giao dịch dân sự theo quy định của luật chuyên ngành. Cụ thể sổ hộ khẩu được sử dụng trong:
– Giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất;
– Giao dịch mua bán tài sản khác;
– Làm thủ tục đăng ký kết hôn;
– Thủ tục làm hộ chiếu;
– Thủ tục đăng ký khai sinh;
– Thủ tục đăng ký khai tử;
– Thủ tục ủy quyền;
– Thủ tục nhận thừa kế…
Với tầm quan trọng và sự xuất hiện dày đặt của sổ hộ khẩu trong các thủ tục hành chính đã nêu ở trên thì người không có sổ hộ khẩu sẽ gặp không ít khó khăn thiệt thòi cụ thể:
– Không thể làm CCCD gắn chip. Đây là khó khăn đầu tiên và cũng quan trọng thường gặp nhất trong thời điểm hiện nay.
– Gặp khó khăn khi mua bán, tặng cho nhà đất, phân chia di sản thừa kế;
– Gặp khó khăn khi làm hộ chiếu, đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử; đăng ký xe…
– Không được ưu tiên khi đăng ký học trường công;
– Gặp khó khăn khi nhận đền bù, giải tỏa đất;
– Không làm được giấy tờ cho đất (trường hợp người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; sử dụng đất trước ngày 01/7/2014 phải có sổ hộ khẩu mới làm được sổ đỏ…);
– Không được thi tuyển công chức ở địa phương (nhiều địa phương chỉ tuyển người có hộ khẩu);
– Gặp khó khi vay tiền ngân hàng, đề nghị hưởng trợ cấp xã hội,…