Pháp luật 2025: Đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch có bị xử phạt hay không?

Đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch có bị xử phạt hay không?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về tổ chức lễ hội như sau:

Vi phạm quy định về tổ chức lễ hội

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;

b) Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội;

c) Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

b) Chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định;

b) Bán vé, thu tiền tham dự lễ hội;

c) Không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích;

d) Không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác;

đ) Không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội.

…”

Việc đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch không đúng nơi quy định, hoặc những nơi cấm thì người đốt có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ví dụ như đốt vàng mã không đúng nơi quy định trong các lễ hội như quy định trên thì bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng;

Hoặc đốt vàng mã tại cảng hàng không, sân bay thì cũng có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 28 Nghị định 162/2018/NĐ-CP.

Đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch có bị xử phạt hay không?

Đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch có bị xử phạt hay không? (Hình từ Internet)

Đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch mà vô ý làm cháy nhà người khác thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ Điều 180 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm g khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản như sau:

Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản

1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Như vậy, người đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch mà vô ý làm cháy nhà người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thiệt hại về nhà trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên.

Cụ thể, nếu nhà bị cháy gây thiệt hại trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì người đốt vàng mã có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Nếu nhà bị cháy trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì người đốt vàng mã này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Người đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch vô ý làm cháy nhà người khác sau đó tự nguyện bồi thường thiệt hại thì được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;

e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;

g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

…”

Như vậy, người đốt vàng mã cúng cô hồn vào rằm tháng 7 Âm lịch vô ý làm cháy nhà người khác mà đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sau đó tự nguyện bồi thường thiệt hại thì người phạm tội này có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định).

Related Posts